Bối cảnh Messiah (Handel)

Bức tượng tôn vinh Handel, đặt tại Vauxhall Gardens, Luân Đôn.

George Frideric Handel (tiếng Đức: Georg Friedrich Händel; đọc là [ˈhɛndəl]) (sinh năm 1685 tại Đức), là nhà soạn nhạc xuất chúng thời kỳ Baroque, nổi tiếng với các sáng tác opera, oratoria, anthem, và concertro organ. Handel đã trải qua một thời gian học nhạc ở Halle, Hamburg, và Ý trước khi định cư ở Luân Đôn từ năm 1712.[3] Ông có ảnh hưởng sâu sắc trên những nhà soạn nhạc Baroque Ý và truyền thống hợp xướng đối âm Đức.

Năm 1741, địa vị của Handel như là một nhạc sĩ lỗi lạc tại Anh đã được khẳng định qua những vinh danh dành cho ông: khoản tiền hưu do Vua Georg II cung cấp, chức danh nhà soạn nhạc cho Giáo đường Hoàng gia, và bức tượng đặt trong Khu vườn Vauxhall, một vinh dự hiếm có dành cho một nhân vật còn sống.[4] Trong khối lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng của Handel có những vở opera Ý mà ông nhiệt tình giới thiệu cho giới thưởng lãm Luân Đôn như vở Rinaldo trong năm 1711. Ông đã viết và trình bày hơn 40 vở opera Ý tại các nhà hát ở Luân Đôn.[4] Dù vậy, đến đầu thập niên 1930, thị hiếu của công chúng bắt đầu thay đổi, thành công vang dội của vở The Beggar’s Opera của John Gay và Johann Christoph Pepusch (trình diễn lần đầu trong năm 1728) là một tín hiệu về sự vượt trội của thể loại opera ballad tiếng Anh đối với opera tiếng Ý [5] Tiền bán vé càng sụt giảm Handel càng phụ thuộc vào các khoản trợ giúp từ những nhà quý tộc, mà những khoản này mỗi ngày càng ít đi. Handel đã vượt qua thách thức này, nhưng ông cũng đã dành một khoản tiền lớn của tiền riêng của mình để làm như vậy.[6]

Viễn cảnh cho những vở opera diễn bằng tiếng Ý trong thập niên 1930 là u ám. Mặc dù Handel vẫn cố công giới thiệu thể loại nhạc kịch này cho công chúng Luân Đôn, ông quay sang đầu tư cho thể loại oratorio tiếng Anh và cho trình diễn xen kẽ trên sân khấu của ông.[7] Trong hai năm sinh sống ở Roma (1707 – 1708) chàng trai trẻ Handel đã viết hai bản oratorio tiếng Ý vào thời điểm cấm trình diễn opera trong thành phố theo chỉ dụ của giáo hoàng.[8] Cuộc phiêu lưu đầu tiên của Handel vào thể loại oratorio tiếng Anh là tác phẩm Esther trình diễn trong tư gia một nhà bảo trợ khoảng năm 1718.[7] Ngày 6 tháng 5 năm 1732, Handel đem một phiên bản đã được hiệu đính và mở rộng của tác phẩm Esther đến Nhà hát King, Haymarket cho buổi ra mắt lộng lẫy có sự tham dự của hoàng gia. Sự thành công của buổi diễn đã khích lệ Handel viết thêm hai bản oratorio (Deborah và Athalia). Cả ba tác phẩm này đều được trình diễn tại Nhà hát Sheldonian ở Oxford vào mùa hè năm 1733, thu hút một cử tọa đông đảo và nhiệt tình ủng hộ. Người ta thuật lại rằng có những sinh viên trẻ đã phải bán đồ đạc của mình hầu gom đủ tiền cho tấm vé trị giá năm shilling.[9]

Năm 1735, một chủ đất giàu có trong tiền bạc cũng như trong đam mê âm nhạc và văn chương tên Charles Jennens gởi Handel phần ca từ cho một bản oratorio mang tên Saul.[10] Bởi vì lúc ấy Handel chỉ chuyên chú sáng tác opera nên không chịu viết nhạc cho Saul mãi đến năm 1738 khi ông chuẩn bị cho mùa trình diễn 1738-39. Tác phẩm này được trình diễn lần đầu tại Nhà hát King trong tháng 1 năm 1739 và có được sự đón nhận tích cực từ khán giả, ngay sau đó là bản oratorio Israel in Egypt nhưng ít thành công hơn.[11] Bởi vì sự thịnh hành của các tác phẩm tiếng Anh là không thể đảo ngược, sau ba lần trình diễn vở opera tiếng Ý Deidamia trong tháng 1 và tháng 2 năm 1741, Handel ngưng sáng tác cho thể loại này.[12] Tháng 7, 1741, Jennens gởi Handel phần ca từ cho một bản oratorio mới. Trong bức thư gởi một người bạn, Edward Holdsworth, Jennens viết, "Tôi hi vọng [Handel] sẽ đặt hết tài năng và kỹ năng vào tác phẩm này, đây là phần sáng tác sẽ vượt trội hơn tất cả sáng tác trước đó của ông, bởi vì chủ đề này vượt trội hơn mọi chủ đề khác. Chủ đề này là Messiah."[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Messiah (Handel) http://www.christianitytoday.com/ct/2000/decemberw... http://www.dailymotion.com/video/x2hbf4_handel-mes... http://www.meaus.com/lobkowicz.htm http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9A0... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://www.nytimes.com/1865/06/04/news/the-great-m... http://www.oxfordmusiconline.com/subscriber/articl... http://www.post-gazette.com/pg/06353/747100-42.stm http://www.smithsonianmag.com/arts-culture/The-Glo... http://www.smithsonianmag.com/arts-culture/The-Glo...